Những thực phẩm nên bổ sung cho bé mùa nóng

Vì sao trẻ em Việt Nam thường ốm vặt và dễ nhiễm các dịch bệnh? Ngoài yếu tố thời tiết nóng ẩm khiến các siêu vi dễ sinh sôi thì một nguyên nhân quan trọng là sức đề kháng của trẻ quá yếu. Để trẻ khỏe mạnh, dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Những thực phẩm nên bổ sung cho bé mùa nóng - Ảnh 1.

Hè đến, trẻ hoạt động thể chất nhiều, tiêu hao nhiều năng lượng nên cần ăn đủ chất hơn

Nhấn mạnh yếu tố dinh dưỡng đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ, BS.CKI Nội nhi Trịnh Ngọc Bình (BV Chợ Rẫy) cho hay: “Vào mùa hè thời tiết thường xuyên thay đổi, nắng nóng chính là những nguyên nhân khiến trẻ dễ đổ bệnh. Do đó, phụ huynh không thể “mất bò mới lo làm chuồng” mà phải nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng cách đáp ứng đầy đủ chất trong khẩu phần ăn của trẻ.

Bên cạnh đó, mùa hè trẻ được nghỉ học, tham gia vào nhiều sinh hoạt, trò chơi nên tiêu hao rất nhiều năng lượng. Nếu không có một chế độ dinh dưỡng hợp lý thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ”.

Vậy cha mẹ cần chọn thực phẩm như thế nào để trẻ tăng sức đề kháng, hạn chế ốm đau trong mùa hè?

Nhóm thực phẩm nên cho trẻ ăn

khi đi chợ để lên thực đơn cho con, cha mẹ nên tìm hiểu và cân đối một cách khoa học, không nên mua theo cảm tính. Có thể lựa chọn những thực phẩm tốt và an toàn nhất theo yếu tố sau:

Thực phẩm giữ nước cho bé: Ngoài việc nhắc nhở trẻ uống nước thường xuyên, cha mẹ cần lựa chọn những thực phẩm có tính mát, nhiều vitamin C như nước ép cam, quýt, nha đam, cà chua, kiwi… Ngoài ra, để bé không bị khô da và thiếu nước, tránh được táo bón, cần bổ sung vitamin A từ đu đủ, cà rốt, khoai lang hay bí đỏ.

Những thực phẩm nên bổ sung cho bé mùa nóng - Ảnh 2.

Trái cây giàu vitamin C giúp trẻ tăng cường sức đề kháng

Thực phẩm kích thích sự ngon miệng: Mùa hè, nhiều gia đình thường bật máy lạnh cả ngày dễ dẫn đến tình trạng khô da, viêm tai mũi họng, cảm cúm làm trẻ biếng ăn. Vì thế, cha mẹ nên lựa chọn các loại rau mát và nhiều vitamin như mồng tơi, rau dền, bồ ngót… và có thể chế biến chung với các thực phẩm giàu kẽm như tôm, cua, cá, thịt nạc, tép, gan cá, gan heo để giúp trẻ ăn ngon miệng hơn.

Thực phẩm tăng cường sức đề kháng: Những con mưa giông bất chợt dễ khiến trẻ bị bệnh ho gà, viêm đường hô hấp do sức đề kháng yếu. Do đó, cha mẹ cần cung cấp đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng, đặc biệt là kẽm hay các thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa giúp trẻ phát triển cơ xương, tăng khả năng hấp thu canxi, tăng cường hệ miễn dịch.

Bên cạnh đó, Vitamin C có nhiều trong những thực phẩm như rau đay, rau muống, quả bưởi, quả nhãn, chanh, dứa sẽ giúp bảo vệ trẻ khỏi chứng cảm lạnh, cảm cúm. Ngoài ra, cha mẹ có thể nấu thêm chè hạt sen, chè nha đam, đậu xanh hoặc nấu nước mát cho trẻ uống gồm rễ tranh, mã đề, mía lao, lá dứa, bông cúc, bông hồng…

Những thực phẩm nên bổ sung cho bé mùa nóng - Ảnh 3.

Những bữa ăn vui vẻ, hạnh phúc giúp trẻ hấp thu tốt hơn

Thực phẩm giúp bé hạn chế mồ hôi trộm: Hệ thần kinh thực vật của trẻ chưa ổn định nên rất hay ra mồ hôi trộm, dẫn đến bị viêm nhiễm đường hô hấp. Nguy hiểm hơn là gây mất nước, muối khiến bé yếu đi, suy kiệt cơ thể. Để trị mồ hôi trộm cho bé, cha mẹ có thể cho con ăn các món như cháo trai, cháo sò – hến, canh cá quả, chè đậu đen, nước dừa tươi…

Cần lưu ý gì khi lựa chọn, chế biến thực phẩm cho bé mùa nóng?

Khi bổ sung thực phẩm cho trẻ mùa nóng, cha mẹ cần lưu ý không nên ăn quá nhiều chất đạm bởi sẽ dẫn đến hiện tượng nóng trong người, gây mất nước khiến trẻ mệt mỏi, cáu gắt, táo bón, nổi rôm sẩy…

“Tuỳ độ tuổi của bé mà cha mẹ cần biết cân bằng lượng đạm trong bữa ăn hằng ngày. Cụ thể, lượng đạm động vật trong khẩu phần ǎn nên đạt từ 50-60%. Tuy nhiên, nếu phối hợp tốt đạm động vật với đạm thực vật sẽ tạo nên sự cân đối giúp hấp thu và sử dụng đạm tốt hơn”.

Những thực phẩm nên bổ sung cho bé mùa nóng - Ảnh 4.

Một chút khéo tay của mẹ, khiến trẻ không thể bỏ bữa

Vào mùa nóng, tốt nhất là cho trẻ ăn thức ăn nhạt, dễ tiêu hóa và ít dầu mỡ. Tránh nấu ăn quá mặn, đặc biệt, hạn chế tối đa các món chiên, xào nhiều dầu mỡ, nhiều năng lượng như khoai tây chiên, gà rán vì các món này nhiều protein, ít chất xơ lại được chiên ngập dầu nên dễ khiến trẻ khát nước, no hơi và táo bón. Nếu trẻ rất thích món chiên, có thể ăn tối đa 2 lần/tuần và nên ăn kèm với salad, nước ép trái cây tươi.

cha mẹ cần hạn chế những món chứa nhiều loại gia vị cay nóng, không tốt cho hệ tiêu hóa của bé như ớt, gừng, tiêu hay các loại đồ ăn, uống lạnh vì sẽ làm niêm mạc miệng bé bị tổn thương, dẫn đến mắc những bệnh về đường hô hấp.

Điều lưu ý quan trọng nhất là thức ăn của bé không nên để ngoài môi trường quá 2 giờ đồng hồ và không nên hâm nóng nhiều lần bởi thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn gây hại cho sức khỏe.